1. Hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel syndrome) - Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hình 1: Hội chứng ống cổ tay (Ảnh Minh Họa)
Ống cổ tay là một đường hầm hẹp nằm trên cổ tay, về phía gan tay và được tạo bởi các xương và dây chằng. Thần kinh giữa chi phối cảm giác và vận động cho ngón cái, ngón 2, 3 và nửa ngón 4 đi trong ống cổ tay cùng với gân gấp của các ngón này. Khi tăng áp lực khoang hoặc thần kinh giữa bị chèn ép sẽ gây nên hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome) với biểu hiện tay tê, dị cảm, yếu liệt hay đau tay.
2. Nguyên nhân và các yếu tố thúc đẩy
Thường không tìm thấy một nguyên nhân rõ ràng nào gây ra hội chứng ống cổ tay. Do ống cổ tay có cấu trúc hẹp và không linh động, cho nên bất cứ lúc nào có sưng nề hoặc viêm, dây thần kinh giữa có thể bị chèn ép và gây đau.
Hình 2: Nguyên nhân và các yếu tố thúc đẩy (Ảnh Minh Họa)
Bệnh nhân thường đau, dị cảm, tê cứng ở ba ngón rưỡi (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón nhẫn), nhưng cũng có lúc tê cả bàn tay. Chứng tê này thường xuất hiện về đêm, có thể đánh thức bệnh nhân dậy, và giảm đi khi nâng tay cao hoặc vẫy cổ tay như vẫy nhiệt kế. Đau và tê tay có thể lan lên cẳng tay, khuỷu hoặc vai. Trong ngày, khi phải vận động cổ tay, ngón tay nhiều như lái xe máy, xách giỏ đi chợ, làm việc bàn giấy… thì tê xuất hiện lại. Lúc đầu tê có cơn và tự hết mà không cần điều trị. Sau đó cơn tê ngày càng kéo dài. Có những bệnh nhân bị tê rần suốt cả ngày. Sau một thời gian tê, người bệnh có thể đột nhiên bớt tê nhưng bắt đầu thấy việc cầm nắm yếu dần hoặc bị run tay, viết khó, dễ làm rớt đồ vật. Những triệu chứng kể trên là điển hình cho tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay. Thường thì triệu chứng điển hình gặp ở một tay, nhưng cũng có thể gặp ở cả 2 tay.
3. Hội chứng ống cổ tay hay gặp ở những người nào?
Phụ nữ có tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay cao gấp ba lần so với nam giới. Một số tình trạng cụ thể có thể cũng làm tăng nguy cơ mắc bao gồm:
Đái tháo đường, bệnh gout, suy tuyến giáp, và viêm khớp dạng thấp.
Phụ nữ có thai.
Bong gân hoặc gãy xương cổ tay.
Những người làm việc sử dụng thường xuyên các công cụ cầm tay rung động làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này.
Hình 3: Phụ nữ có thai có nguy cơ cao mắc hội chứng ống cổ tay (Ảnh Minh Họa)
4. Dễ nhầm lẫn với một số bệnh sau
Tổn thương cơ, dây chằng, hoặc gân bám tận.
Viêm khớp ở ngón tay cái hoặc cổ tay.
Các vấn đề về dây thần kinh như bệnh lý thần kinh cơ do đái tháo đường.
5. Chẩn đoán xác định bệnh
Bác sĩ sẽ có một vài các test để chẩn đoán chắc chắn bạn bị hội chứng ống cổ tay như:
Hình 4: Các bài test để chẩn đoán chắc chắn bạn bị hội chứng ống cổ tay (Ảnh Minh Họa)
Nghiệm pháp Tinel: Cần phải gõ nhẹ lên dây thần kinh giữa để xem nó có gây ngứa ran ở các ngón tay không.
Nghiệm pháp Phalen, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ấn mu hai bàn tay vào với nhau trong một phút để kiểm tra xem nó có gây tê bì hoặc ngứa không ở các ngón tay không.
Thăm dò điện cơ: Là thăm dò giúp chẩn đoán xác định, tác dụng để thăm dò dẫn truyền thần kinh.
6. Điều trị
Bệnh nhân cần tránh các cử động lặp đi lặp lại nhiều lần của cổ tay và bàn tay và tránh dùng các dụng cụ gây rung lắc như búa khoang, dụng cụ chà sàn nhà bởi vì chúng có thể làm cho triệu chứng nặng hơn. Những bệnh nhân làm việc với máy tính nên chú ý cải thiện vị trí cổ tay hoặc nâng đỡ cổ tay dù vấn đề này còn đang bàn cải. Dùng nẹp cổ tay có thể có ích cho những bệnh nhân có nghề nghiệp phải cử động cổ tay lặp đi lặp lại.
Nguyên tắc điều trị
Cần điều trị các bệnh lý nguyên nhân hoặc các yếu tố thuận lợi gây ra hội chứng ống cổ tay. Đối với phụ nữ có thai, không cần điều trị vì triệu chứng sẽ tự cải thiện sau khi sinh.
Ống cổ tay là cấu trúc không co giãn được. Chính vì thế có hai cách để điều trị:
Giảm áp lực trong ống cổ tay bằng cách giảm hiện tượng viêm, phù nề của các gân gấp hoặc dịch viêm do khớp hay máu tụ do chấn thương.
Mở rộng ống cổ tay bằng cách xẻ mạc giữ gân gấp. Ðiều chỉnh các khối can xương hay xương trật để ống cổ tay không bị hẹp và không gây đè p trực tiếp vào sợi thần kinh giữa.
Ðiều trị bảo tồn
Hình 5: Chích corticoide vào ống cổ tay để tạo hiệu quả giảm đau tốt (Ảnh Minh Họa)
Uống hay chích thuốc kháng viêm NSAID.
Chích corticoide vào ống cổ tay để tạo hiệu quả giảm đau tốt nhưng phải lưu ý chống chỉ định sử dụng ở phụ nữ có thai hay cho con bú (6 tháng tuổi).
Nẹp cổ tay.
Thuốc bổ thần kinh như vitamin nhóm B hoặc các chế xuất từ B6.
Ðiều trị phẫu thuật
Hình 6: Ðiều trị phẫu thuật hội chứng ống cổ tay (Ảnh Minh Họa)
Mổ mở: Qua vết rạch lớn hơn từ lòng bàn tay qua ống cổ tay, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiếp cận với dây chằng để giải phóng dây thần kinh. Phẫu thuật viên cũng có thể sẽ loại bỏ mô xương khớp nếu bạn bị viêm gân – viêm dây chằng thường liên quan đến hội chứng ống cổ tay
Mổ nội soi: Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch 2 đường nhỏ ở cổ tay và bàn tay, đưa dụng cụ soi gắn với một chiếc camera nhỏ (ống nội soi) để có thể quan sát bên trong ống cổ tay và cắt dây chằng dưới sự hướng dẫn của camera. Do đường rạch nhỏ nên với kỹ thuật này, bạn sẽ ít đau và nhanh hồi phục hơn.
Các bài tập tăng sức bền
Hình 7: Các bài tập tăng sức bền (Ảnh minh họa)
Khi các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thuyên giảm, bác sĩ vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân các bài tập kéo dãn/duỗi cổ tay và bài tập tăng sức bền để giúp dự phòng các triệu chứng đau, tê bì, và yếu liệt tái phát. Bác sĩ vật lý trị liệu hoặc bác sĩ phục hồi chức năng cũng có thể hướng dẫn bệnh nhân cách thức chính xác để thực hiện các phần việc/động tác nhằm giúp dây thần kinh giữa không bị viêm lại khiến các triệu chứng tái phát.
Điều trị bổ sung
Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng biện pháp nắn bóp xương cổ tay, khuỷu tay, cột sống phía trên (lưng, cổ) có thể làm cải thiện hội chứng ống cổ tay. Cũng có một vài bằng chứng cho thấy châm cứu có thể giúp hồi phục chức năng thần kinh và làm thuyên giảm triệu chứng. Điều quan trọng là cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất cứ biện pháp nào hoặc bất cứ biện pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế nào.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để được tư vấn các bệnh về cơ xương khớp, hãy liên hệ với Trung Tâm Điều Trị Phục Hồi Xương Khớp Việt Nam:
Địa chỉ: Số 39 Hồng Phúc - Nguyễn Trung Trực - Ba Đình - TP Hà Nội
Tại Hải Phòng: Số 65 Chu Văn An - Ngô Quyền - TP Hải Phòng
Email: trungtamdieutrixuongkhop@gmail.com
Hotline: 1900 8955
Điện thoại: 0961 095 111