Những nguyên nhân gây đau lưng
Đau thắt lưng là một triệu chứng được thể hiện bằng hiện tượng đau ở vùng được giới hạn từ ngang đốt sống thắt lưng ở phía trên và ngang đĩa đệm đốt sống thắt lưng 5 và cùng 1 ở phía dưới, bao gồm da, tổ chức dưới da, cơ xương và các bộ phận ở sâu. Đau có kèm theo biến dạng, hạn chế vận động hoặc không. Đau vùng thắt lưng do rất nhiều nguyên nhân gây nên, đòi hỏi phải xác định được nguyên nhân thì điều trị được kết quả tốt nhất.
Đau vùng lưng và thắt lưng rất hay gặp trong đời sống hằng ngày, trong điều tra tình hình bệnh tật đau thắt lưng chiếm 12% trong nhân dân, chiếm 17% những người trên 60 tuổi ( Phạm Khuê, 1979 ); 6% tổng số các bệnh xương khớp ( Khoa Cơ Xương Khớp Bệnh viện Bạch Mai, 1988); 80% dân số có thể có triệu chứng đau lưng ít hoặc nhiều ( theo David B.Hellman), gặp cả nam và nữ, các lứa tuổi, nhất là độ tuổi lao động, ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt.
Vậy nguyên nhân gây đau lưng là gì? Hãy cùng Trung Tâm Điều Trị Phục Hồi Xương Khớp Việt Nam tìm hiểu nhé!
1. Nguyên nhân nội tạng
1.1 Hệ tiêu hoá
Viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày.
Bệnh tạng Tuỵ: Sỏi tuỵ, viêm tuỵ cấp và mãn tính.
Gan mật: Viêm gan mạn, sỏi gan hoặc sỏi đường mật, bệnh lý túi mật.
1.2 Hệ tiết niệu
Sỏi thận, sỏi niệu quản.
U thận, thận đa nang, lao thận.
Viêm thận bể thận.
Đái dưỡng chấp (giun chỉ).
Đặc điểm đau: Thường đau thành cơn (đau quặn), đau ở một bên vùng thắt lưng, đau thấp. Kèm theo là những rồi loạn về tiểu tiện.
1.3 Sinh dục
Đặc biệt là các bệnh của tử cung và phần phụ:
U nang buồng trứng, U xơ tử cung, ung thư thân tử cung, bệnh lạc màng trong tử cung, sa tử cung.
Đau bụng kinh, đau sau đặt vòng tránh thai.
Đau sau các phẫu thuật sản phụ khoa: Mổ lấy thai, mổ cắt tử cung…
Ở nam giới một số bệnh của tuyến tiền liệt cũng có thể gây ra đau vùng thắt lưng.
1.4 Các bệnh nội tạng khác
Những u ở phần sau phúc mạc và vùng chậu hông (tiểu khung): U thần kinh, u máu (hémangiome), hạch, tuyến thượng thận …
Những tổn thương ở vùng lưng, vùng cánh chậu cũng có thể có liên quan đến vùng thắt lưng.
2. Nguyên nhân do viêm, u, chấn thương, loạn sản
2.1 Chấn thương:
Trong tiền sử có chấn thương. Nếu tiến triển lâu có thể có hội chứng Kumnell – Verneuil (cột sống vùng tổn thương dính thành một khối).
2.2 Viêm đốt sống:
Viêm do vi khuẩn:
Viêm do lao (bệnh Pott) đứng hàng đầu các loại viêm đốt sống do vi khuẩn. Đoạn thắt lưng và lưng bị tổn thương nhiều nhất so với các đoạn khác (L10-12, TL1-2).
Viêm do các vi khuẩn khác: Tụ cầu, thương hàn, phế cầu …, chẩn đoán dựa vào điều kiện phát bệnh (mụn nhọt, viêm cơ, viêm phổi …).
Chú ý phát hiện viêm cơ cạnh cột sống, viêm cơ đái cũng gây đau và hạn chế vận động vùng thắt lưng.
Viêm do bệnh khớp:
Viêm cột sống dính khớp: Ở Việt Nam bệnh chiếm 1,4‰ dân số, 90% là nam giới tuổi trẻ. Đau vùng thắt lưng hay có phối hợp với viêm khớp háng và gối.
Biểu hiện viêm cột sống trong một số bệnh khớp: Viêm khớp dạng thấp, thấp khớp vẩy nến, viêm khớp mãn tính thiếu niên, thấp khớp phản ứng.
2.3 Nguyên nhân do u (ung thư, di căn, u lành …):
Ung thư di căn: Nhiều ung thư của các bộ phận có khả năng di căn vào đốt sống: Ung thư phế quản, vú, tuyến giáp, tuyến tiền liệt, thận, khó chẩn đoán khi ung thư nguyên phát chưa rõ.
Các khối u lành tính của xương, màng não tủy, tủy, đặc biệt là các u máu: Ở quanh đốt sống có thể gây hủy xương tăng dần, dễ nhầm với khối u ác tính.
Các bệnh loạn sản, rối loạn chuyển hóa:
Viêm xương sụn hay bệnh gù Scheuermann, trên X quang có thoát vị đĩa đệm vào thân đốt sống. Ít khi thấy ở đoạn thắt lưng.
Bệnh to đầu chi: Đau và vẹo vùng thắt lưng.
Bệnh loạn sản sụn xương Morquio, Hurler: Thân đốt sống có hình lưỡi, lùn và lỏng lẻo khớp.
Bệnh Alcapton niệu và Paget: Ở Việt Nam chưa gặp.
Các bệnh máu gây tổn thương xương:
Bệnh đa u tủy xương (Kahler).
Bệnh Leucemie các loại, Hodgkin.
Bệnh thiếu máu huyết tán do huyết cầu tố (Thalassemie)…
Ung thư nguyên phát ở thân đốt sống và các thành phần thần kinh: Hiếm gặp hơn các loại trên.
3. Các nguyên nhân do thay đổi cấu trúc của cột sống và đĩa đệm:
3.1 Thoái hóa:
Thoái hóa vùng cột sống thắt lưng xuất hiện sớm hơn các đoạn khác của cột sống, là nguyên nhân thường gặp của đau vùng thắt lưng.
Hư khớp đốt sống: Biểu hiện bằng mọc gai xương cạnh thân đốt, hình đặc xương ở mâm sụn, thấy nhiều ở người trên 40 tuổi. Phần lớn không có biểu hiện lâm sàng.
Hư đĩa đệm cột sống: Là nguyên nhân quan trọng của tình trạng đau thắt lưng các loại.
3.2 Tình trạng mất vôi của đốt sống:
Loãng xương: Khi xương mất trên 30% trọng lượng, do loãng xương có tình trạng lún đốt sống gây đau.
Loãng xương tuổi già (nguyên phát).
Loãng xương ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh.
Loãng xương thứ phát sau các bệnh nội tiết (bệnh Cushing, bệnh u tuyến cận giáp, đái tháo đường), thiếu vitamin B, do lạm dụng thuốc (Steroid), do nằm lâu, do tình trạng mất trọng lực kéo dài (du hành vũ trụ).
Mất chất vôi rải rác tạo nên các ổ, hốc, khuyết: Bệnh Kahler, bệnh u tuyến cận giáp, di căn ung thư…
3.3 Cột sống đặc xương:
Ung thư xương thể tạo xương.
Ngộ độc Fluor.
U dạng xương (ostéome ostéoide).
3.4 Các dị dạng bẩm sinh hay thứ phát vùng thắt lưng:
Hầu hết không có biểu hiện lâm sàng, không phải là bệnh lý, một số rất ít có dấu hiệu đau.
Chứng gai đôi (nứt đốt sống kín đáo – spina bifida occulta): Gai đôi chỉ coi là bệnh lý khi có thoái vị màng não tủy qua chỗ hở.
Cùng hóa thắt lưng cùng 5: khi đốt sống thắt lưng 5 nằm thấp gần như liền với cùng 1. Đôi khi có thể gây đau khi các mỏm ngang L5 cọ sát vào cánh chậu.
Thắt lưng cùng hóa 1: Đốt sống cùng 1 ở cao, cách với cùng 2 bởi một đĩa đệm mỏng.
Trượt đốt sống ra trước (spondylolisthésis).
Các dị dạng khác: Cột sống dính 2 đốt thành 1 khối, thân đốt sống teo một bên … thường gây vẹo, cứng đờ. Chỉ đau khi thoái hóa thứ phát.
4. Các nguyên nhân khác
4.1 Đau do tư thế nghề nghiệp:
Một số nghề nghiệp, tư thế có thể gây đau thắt lưng: Công nhân bốc vác, nghệ sĩ xiếc, uốn dẻo, balê, lực sĩ cử tạ…
4.2 Đau thắt lưng do tâm thần:
Một số trường hợp rối loạn tâm thần có thể đau và hạn chế vận động cột sống thắt lưng, hay gặp nhất là bệnh Hysteria, một số thể tâm thần phân liệt...
4.3 Đau trong hội chứng thấp khớp cận ung thư:
Một số ung thư nội tạng có biểu hiện đau xương dài, cột sống và khớp, đau rất nhiều nhưng không có tổn thương thực thể và dấu hiệu di căn trên X quang. Cơ chế sinh bệnh chưa rõ. Các ung thư hay gây hội chứng này là phế quản, dạ dày, tử cung, tuyến tiền liệt, vú, vòm…
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
Để được tư vấn các bệnh về cơ xương khớp, hãy liên hệ với Trung Tâm Điều Trị Phục Hồi Xương Khớp Việt Nam:
Địa chỉ: Số 39 Hồng Phúc - Nguyễn Trung Trực - Ba Đình - TP Hà Nội
Tại Hải Phòng: Số 65 Chu Văn An - Ngô Quyền - TP Hải Phòng
Email: trungtamdieutrixuongkhop@gmail.com
Hotline: 1900 8955
Điện thoại: 0961 095 111